diễn đàn nông nghiệp tây bắc
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

CÂY SU SU TẠI MỘC CHÂU

Go down

CÂY SU SU TẠI MỘC CHÂU Empty CÂY SU SU TẠI MỘC CHÂU

Bài gửi  bong_hoa_mau_xanh Sun Apr 11, 2010 11:27 pm

A . Thông tin về đối tượng cây trồng
Phân loại khoa học
Giới (regnum): Plantae
Bộ (ordo): Cucurbitales
Họ (familia): Cucurbitaceae
Chi (genus): Sechium
Su su (danh pháp khoa học: Sechium edule), (tiếng Trung gọi là dưa phật thủ (Phật thủ qua), tiếng Pháp gọi là chouchou - phát âm như su-su trong tiếng Việt
Cây Su su đã được ghi chép lần đầu bởi các nhà thực vật học trong tác phẩm năm 1756 của P.Browne. Năm 1763, nó được phân loại bởi Jacquin là Sicyos edulus và bởi Adanson là Chocho edulus. Swartz đã phân loại chi của su su như ngày nay là Sechium.Su Su là một loại cây lấy quả ăn, thuộc họ Bầu bí, cùng với dưa hấu, dưa chuột và bí. Cây này có lá rộng, thân cây dây leo trên mặt đất hoặc trên giàn.
Costa Rica là quốc gia xuất khẩu chính su su ra khắp thế giới như EU, Hoa Kỳ .Su su là một loại quả quan trọng trong chế độ ăn uống của Mexico. Bang Veracruz là bang trồng su su quan trọng nhất của Mexico và cũng là nơi xuất khẩu chính quả su su, chủ yếu qua Mỹ
Tại Việt Nam cây su su được trồng phổ biến ở Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Mộc Châu, hiện nay còn được trồng tại khu vực tỉnh Hoà Bình.
Cây su su ưa khí hậu mát mẻ, độ ẩm trung bình trong năm tương đối cao, với những vùng có điều kiện tưới tiêu quả su su khi thu hoạch thường có vẻ mọng và ít gai hơn đối với giống su su gai.
B. Thực trạng tại địa phương
Sản xuất rau, quả an toàn đã triển khai nhiều năm được nhiều hộ nông dân, nhiều địa phương hưởng ứng tham gia. Nhưng để nhận biết rau, quả an toàn và rau, quả không an toàn khi lưu thông tiêu thụ trên thị trường rất khó phân biệt. Vì vậy vấn đề đặt ra cho người sản xuất là phải có Thương hiệu cho rau, quả an toàn, tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng, đảm bảo những quy định về VSATTP, đảm bảo đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.Hiện nay quả su su chiếm trên 90% tổng lượng rau quả sạch của Mộc Châu xuất đi các tỉnh thành, với doanh thu năm 2008 đạt trên 30 tỷ đồng, tuy nhiên việc tiêu thụ su su đang gặp nhiều khó khăn do chưa xây dựng được thương hiệu và bị tư thương thao túng, ép giá. Sản lượng đạt hàng trăm tấn mỗi năm, nhưng cả huyện chỉ có hai HTX thực hiện thu mua su su với số lượng không đáng kể, người nông dân phải tự mình mò mẫm kỹ thuật trồng, chăm sóc và tìm đầu ra cho sản phẩm. Cây su su được đưa vào trồng tại Mộc Châu triển khai dưới hình thức thâm canh vào năm 2004 và cho hiệu quả kinh tế cao. Đến năm 2005 hội Nông dân thị trấn đã đưa cây su su vào trồng đại trà và trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Thời gian cho thu hoạch kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12, thu 5-7 ngày 1lứa, năng suất thâm canh có thể đạt 90-120 tấn quả/ha.Vốn đầu tư ban đầu cho 1 ha su su lấy quả khỏang 30 triệu đồng.
Theo thống kê năm 2008 của phòng thống kê huyên Mộc Châu, tại Mộc Châu có 101,6 ha; Năng suất đạt 250 tạ/ha; Sản lượng cả năm đạt 2540 tấn.
Đến năm 2009 tại Mộc Châu có 291,8 ha trồng susu, năng suất đạt 235 tạ/ha, sản lượng đạt 6856,6 tấn.Khu vực trồng susu được phân bố chủ yếu ở Thị trấn Mộc Châu,thị trấn nông trường, xã Đông Sang, Phiêng Luông, Vân Hồ, Lóng Luông =>tập trung ở những nơi có khí hậu mát mẻ
* Kĩ thuật trồng và chăm sóc tại địa phương ( theo quy trình chung của phòng Nông Nghiệp huyện Mộc Châu )
1. Susu lấy quả
a.Thời vụ:
- Trồng từ tháng 9-10.
- Sử dụng giống mua từ vùng khí hậu lạnh hoặc tự để giống, chọn quả giống to, nây đều, gai cứng, mầm to khoẻ mới nhú.
b.Làm đất, trồng cây:
- Chọn đất: su su có bộ rễ phát triển khoẻ nên không yêu cầu quá nghiêm ngặt về đất, tốt nhất nên chọn đất pha cát nhẹ, tuy nhiên su su chịu úng kém vì vậy nên chọn chân đất thoát nước tốt. Những chân đất thích hợp với bầu bí cũng thích hợp với su su, làm đất như đối với trồng mướp.
- Làm đất: rắc vôi bột đều khắp ruộng, cày đất thành luống rộng 1,5 m.
Đào hố rộng 80-100cm, sâu 40-50cm, đổ nhiều mùn rác, phân bón vào hố và để chừng một tuần mới đặt quả giống xuống. Các hố được đào thẳng hàng, cách nhau 2,5-3,0m. Mỗi hố bón 10-15 kg phân chuồng và 1 kg supe lân, 1 kg kali sunfat (không kể đổ thêm các chất mùn bã).
- Trồng mỗi hố 3 quả, cách nhau 30-40 cm, sau đó lấp đất phủ kín quả, chỉ để hở mầm. Một ha phải trồng từ 250-360kg quả giống để đảm bảo mật độ 1.000-1.500 cây/ha,dùng bao tải và cọc tre quây xung quanh che nắng và bảo vệ cây non.
c.Bón phân
- Bón lót trước trồng 7 ngày
- Bón thúc cho su su vào hai giai đoạn:
+ Khi cây vừa lên giàn, dùng phân tưới nước quanh gốc để rễ ăn rộng, có thể rải một lượt bùn sông, bùn cống rãnh lên mặt luống.
+ Khi được thu hoạch, lại thúc bằng phân nước hoặc phân đạm có hòa lẫn kali, làm cho quả sáng mã và chắc, chống rụng quả. Nếu đất ở ruộng ẩm, tầng đất dưới có nhiều sét có khả năng giữ phân ít bị rửa trôi, có thể đào rãnh xung quanh hố và rắc phân để tiết kiệm được công lao động, hình thức bón rải này chỉ cần bón ít lần nhưng mỗi lần bón với lượng phân cao hơn hình thức tưới trực tiếp.Sau đó tùy tình hình sinh trưởng của cây và khả năng phân bón sẵn có mà quyết định bón thúc thêm vào lúc nào có lợi, trong một năm bón thúc từ 9-12 lần, lượng phân bón mỗi lần giảm dần về cuối vụ.
d .Chăm sóc:
- Khi mới trồng cần che nắng cho quả, quây bao tải bảo vệ mầm quả, thường xuyên thăm ruộng để kiểm tra sự tấn công của côn trùng hại hay hiện tượng ngập úng, bệnh hại và dặm bổ sung những chỗ cây bị chết.
- Khi cây đã mọc đều phải làm giàn theo kiểu giàn mướp, cao 1,8-2m. Khi su su mọc dài 1-1,5m thì cắm dóc cho cây leo lên giàn. Bố trí, san dây cho đều, tuyệt đối không được đánh cành bấm ngọn của su su như đối với bầu bí.
Khi nương dây lên giàn cũng là lúc vét đất xung quanh phủ lên gốc cây su su.
- Cây su su có nhu cầu nước lớn, độ ẩm thích hợp cho cây phát triển là 80-85%, vì vậy cần chú ý tới ẩm độ đất, đặc biệt trong thời kỳ cây ra hoa tạo quả. Tuy nhiên cây kém chịu úng nên phải tiêu úng kịp thời cho cây.
2. Susu lấy ngọn
1. Thời vụ:
- Trồng từ tháng 10-11.
- Chọn quả giống to, nây đều, gai cứng, sạch sâu bệnh, mầm to khoẻ mới nhú là giống tốt. Một lần trồng mới có thể để lưu giống được vài năm. Tuy nhiên do vấn đề bệnh hại mà người ta chỉ lưu giống 3 năm.
2. Làm đất, trồng cây:
- Chọn đất: tương tự như đối với su su trồng lấy quả
- Làm đất: rắc vôi bột đều khắp ruộng, cày đất thành luống rộng 1,5-2 m, đào hố có đường kính 50 cm, sâu 40 cm, các hố cách nhau 50 cm, đổ nhiều mùn rác, phân hoai và phân lót hoá học vào luống trước khi đem cây ra ruộng khoảng 1 tuần.
- Trồng mỗi hốc 3 quả cách đều nhau, sau đó phủ đất đã làm nhỏ lên quả chỉ để hở lại mầm, dùng bao tải và cọc tre quây xung quanh che nắng và bảo vệ cây non.
3. Bón phân:
- Tổng lượng phân bón cho 1 sào Bắc Bộ (360 m2): vôi bột 20 kg, phân chuồng hoai 500-800 kg, lân supe 70 kg, kali sun phát 25 kg, đạm urê 50 kg.
- Bón lót trước trồng 7 ngày, lượng phân cho mỗi hố: vôi bột 0,1 kg, phân chuồng hoai 2-3 kg, lân supe 0,2 kg, kali sun phát 0,05-0,1 kg.
- Bón thúc:
+ Bón thúc bằng đạm urê, tổng lượng đạm bón cho 1 sào là 50 kg, trong một năm bón thúc từ 12-15 lần, lượng phân bón mỗi lần giảm dần về cuối vụ.
+ Tiến hành bón thúc khi cây chớm leo giàn, dùng phân đạm hoà với nước tưới, sau 2-3 đợt thu ngọn (10-15 ngày) lại tưới thúc 1 lần. Nếu đất ở ruộng ẩm, tầng đất dưới có nhiều sét có khả năng giữ phân ít bị rửa trôi, có thể đào rãnh xung quanh hố và rắc phân để tiết kiệm được công lao động, hình thức bón rải này chỉ cần bón ít lần nhưng mỗi lần bón với lượng phân cao hơn hình thức tưới trực tiếp.
4. Chăm sóc:
Tương tự như đối với su su trồng lấy quả song cần thêm một số kỹ thuật chăm sóc khác:
- Nếu là cây lưu giống bằng dây năm trước, đến tháng 7 tháng 8 cần bới nhẹ đất và phân ủ ở gốc để dây tái sinh mầm mới.
- Làm giàn theo kiểu chữ A hoặc mái bằng cao 1,2-1,5 m, rộng 1,5-2 m, chừa lại lối đi thu hái ngọn, khi mầm cây lên cao 30-50 cm cần cắm cây dóc, cọc tre để mầm bám vào leo tới giàn, đồng thời lúc này tiến hành vun gốc cho cây.
• Thu hoạch và để giống su su
1. Susu lấy quả
- Sau trồng khoảng 3 tháng cây có thể cho thu quả. Tiến hành thu hái thủ công từng quả một khi quả vừa tới lứa, tránh làm rụng nụ hoa của lứa sau.
- Su su vừa tới lứa thì thu hoạch ngay, cách 5-7 ngày lại thu được một lần. Thu khi quả vừa căng, trông láng vỏ là vừa.Thường thu từ tháng 3 đến tháng 12 trong năm
* Để giống su su
- Có thể cho su su tàn đi, vun gốc, cắt dây chỉ để lại độ 2m dây gốc rồi khoanh vòng thúng lại quanh gốc, lấp kín đất lên, còn giàn thì để cho mướp leo, lợi dụng bóng mát của mưới che gốc cho su su.
- Có thể giữ giống bằng cách cắt dây, chỉ để lại 2m phần sát gốc rồi khoanh vòng thúng quanh gốc, lấp hỗn hợp phân, đất phủ đầy cho cây ấm gốc để có thể tiềm sinh trong đất qua đông. Sang Xuân, vào quãng tháng 3 khi tiết trời đã ấm, su su sẽ nảy mầm và tái sinh.
2. Susu lấy ngọn
- Sau trồng khoảng 4-5 tháng cây có thể cho thu ngọn, thu bằng dao sắc cắt từng ngọn, vị trí cắt cách nách lá 1-1,5 cm. Cùng với quá trình thu ngọn cần cắt tỉa những lá già, lá bệnh và những nhánh vô hiệu (nhánh nhỏ, nhánh bị sâu bệnh, nhánh mọc khuất dưới tán lá khác không có khả năng tiếp xúc với ánh sáng). Vùng đồi núi thường cho thu ngọn từ tháng 4 đến tháng 11, sang tháng 10-12 tận thu quả làm thương phẩm và để giống.
- Su su có thể trồng một lần cho thu nhiều năm bằng cách lưu gốc: vào cuối năm sau khi tận thu, vệ sinh đồng ruộng sạch, cắt chừa lại 1,5-2 m phần sát gốc, khử trùng vết cắt bằng nước vôi đặc, cuốn dây gốc hình vòng thúng, dùng phân hoai và đất làm nhỏ phủ lên trên giữ ấm cho gốc, tới tháng 7 tháng 8 năm sau bới nhẹ đất ra để cây tái sinh.
* Kiến thức bản địa của người dân về cách trồng su su lấy quả :
- Chọn giống : chọn quả to, nây đều, có mầm nhú khoảng 1-2 cm
- Kĩ thuật trồng : Đào hố sâu khoảng 30 – 50 cm, bỏ phân ( tốt nhất là phân chuồng ) trộn lẫn với lớp đất mặt sau đó đặt quả.Cần đặt quả nằm để mầm lên khoẻ hơn, lưu ý khi lấp đất cần đẻ hở mầm
- Chăm sóc : Cần tưới nước đều( 2lần/ ngày ). Khi cây bắt đầu phát triển cần chú ý tỉa bỏ lá già, lá gốc. Xuất hiện hiện tượng rệp cần phun thuốc phòng.Khi cây phát triển đồng đều cần làm giàn cao 1,8 – 2m thuận tiện cho việc thu hái, cây dài 1- 1,5 m cần cắm que để cây bắt đầu leo giàn.
- Bón phân :Bón lót 1 lần trước khi trồng. Khi bắt đầu thu quả cần bón bổ sung thêm phân vi sinh. Sau khi thu hoạch xong 1 lứa cần bón bổ sung để cây tiếp tục sinh trưởng và hình thành đợt quả mới đạt năng suất và chất lượng tốt nhất.
- Thu hoạch : Thường thu vào buổi sáng sớm để quả được tươi lâu. Khi thu hái quả cần nhẹ tay, tránh làm sây xát quả hay dập nát quả.Quả sau khi thu hoạch tốt nhất là bán ra thị trường, nếu không tiêu thụ được người dân thường rải quả ra nền gạch sạch để quả khỏi hấp hơi, ảnh hưởng đến chất lượng quả khi tiêu thụ.
C. Thị trường tiêu thụ và giải pháp
Thị trường tiêu thụ chủ yếu của Mộc Châu là thông qua 2 HTX có tại địa phương để đưa sản phẩm phục vụ các siêu thị tại Hà Nội, với các hộ nông dân trồng nhỏ lẻ sản phẩm thường được người dân tự tìm hướng tiêu thụ, có thể thông qua các cá nhân hay tổ chức để đưa sản phẩm về Hà Nội hoặc tiêu thụ tại địa phương và các vùng lân cận.
Tại địa phương chưa có hướng quy hoạch cụ thể cho người dân về thị trường tiêu thụ sản phẩm hay xây dựng thương hiệu tại địa phương.Hiện nay phòng Nông nghiệp huyện Mộc Châu đang khảo sát các vùng thích hợp để quy hoạch phát triển, ổn định diện tích, bước đầu hình thành vùng sản xuất su su sạch chuyên canh, tiến tới xây dựng thương hiệu cho cây su su tại Mộc Châu. Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã, các doanh nghiệp,đơn vị chuyên trồng và kinh doanh cây su su để có được kế hoạch cụ thể xây dựng thương hiệu su su sạch tại Mộc Châu.

bong_hoa_mau_xanh

Tổng số bài gửi : 3
Join date : 11/04/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết